Một không gian nấu nướng thoáng mát, rộng rãi và gần gũi với thiên nhiên là những ấn tượng đầu tiên của thiết kế phòng bếp cho nhà vườn.
Nhà vườn luôn có ưu thế về diện tích và cảm giác dễ chịu bởi thiên nhiên luôn góp mặt trong từng không gian sống. Khi thiết kế phòng bếp cho nhà vườn, các KTS cũng thường chú trọng đến những nét đặc trưng của nhà vườn và ưu thế của thiên nhiên để tạo nên những khoảng không gian lý tưởng cho việc nấu nướng và sum họp của gia đình.
1. Vị trí của phòng bếp
Kiểu thiết kế nhà vườn phổ biến hiện nay gồm 2 tầng, tầng 1 là không gian dành cho phòng ngủ, phòng tắm, phòng khách và phòng bếp. Tầng 2 thường là khoảng không gian riêng dành trọn cho việc nghỉ ngơi và tiếp những vị khách thân thiết của gia đình. Nhà vườn được đặt nơi những đồi núi xanh tươi, cây cối mát mẻ nên khi thiết kế, các KTS đều muốn tạo nên những khoảng không gian giao hòa được với thiên nhiên một cách tối đa.
Nhà vườn thường là nơi dành cho những bữa tiệc ngoài trời với số lượng khách mời khá lớn. Phòng bếp và phòng ăn nên được đặt gần không gian tổ chức tiệc vừa thuận tiện cho việc đưa thiên nhiên từ vườn nối tiếp vào nhà, vừa tạo không khí thoải mái và dễ chịu cho bữa ăn.
Cũng có rất nhiều gia đình thường chọn thiết kế mở cho các phòng trong nhà vườn. Khi thiết kế, bạn nên bố trí các phòng đều có một mặt hướng về thiên nhiên nhằm đảm bảo sự thông thoáng cho ngôi nhà. Bên cạnh đó là sự liên thông giữa các phòng với nhau. Phòng bếp cũng vì thế được liên thông với phòng khách và chỉ được ngăn cách không gian bằng những chậu cây, mành treo để ngăn chia không gian.
2. Chọn chất liệu
Nhà vườn luôn được thiết kế hướng đến thiên nhiên, vì thế những vật liệu và nội thất được chọn thường là những chất liệu được lấy từ thiên nhiên như bàn ghế, tủ… với chất liệu gỗ. Những đồ nội thất này đều mang đến vẻ đẹp mộc mạc, giản dị cho nhà vườn.
Điều dễ nhận thấy ở những thiết kế phòng bếp cho nhà vườn đó là sự lựa chọn sàn gỗ để mang lại sự thân thiện và nét đẹp dân dã cho nhà vườn.
Gỗ luôn là chất liệu được sử dụng nhiều và khá quen thuộc trong thiết kế nhà vườn. Bên cạnh đó, với kiểu thiết kế nhiều mặt tiếp túc với tự nhiên để tận dụng tối đa khoảng xanh mát của nhà vườn thì chất liệu kính cũng khá được ưa chuộng. Kính thường được sử dụng trong thiết kế cửa sổ cỡ rộng làm ta luôn có cảm giác diện tích bếp rộng hơn nhiều so với diện tích thực của nó, luôn nới rộng ra ngoài không gian để cảm nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên.
3. Chọn tông màu
Gian bếp không chỉ là nơi nấu nướng mà còn là nơi gặp gỡ ăn uống sinh hoạt chung của gia đình và khách, vì thế để tạo sự thoải mái nhất cho mọi người, chiếc bàn ăn luôn được đặt đối diện với cửa sổ, hướng ra khoảng xanh mát mẻ ngoài vườn cây, ao cá.
Nhà vườn là không gian sum họp, gặp gỡ của khách và chủ, hoặc của đại gia đình, vì thế việc đầu tư và chăm chút cho gian bếp rất cần được để tâm đến. Một gian bếp rộng rãi và thông thoáng không chỉ giảm bớt nhiệt khi nấu nướng mà có thể giảm bớt được các loại mùi từ việc nấu ăn.
Nét giản dị và yên bình là yếu tố đầu tiên khi lựa chọn thiết kế nhà vườn, thiết kế bếp cũng không nằm ngoài yêu cầu đó. Hãy chọn cách thiết kế đơn giản, gam màu nhẹ nhàng, dễ chịu sẽ tôn thêm giá trị hưởng thụ cho căn nhà của mình. Nên để tông màu sáng cho bếp như trắng, xanh lá cây, vàng nhạt, nâu nhạt… kết hợp với việc trang trí hoa, cây cảnh trong bếp sẽ tạo nên vẻ gần gũi và thân thuộc cho nhà vườn.
(Theo Archi)