Dưới đây là những kiểu bàn bếp đẹp được phân loại dựa trên chất liệu sản xuất, tha hồ cho các bà nội trợ lựa chọn để làm mới căn bếp cũ nhà mình.
Nấu ăn trong một khung cảnh nhà bếp đẹp đẽ, gọn gàng sạch sẽ luôn mang đến sự hứng khởi cho các bà nội trợ. Và bàn bếp là một trong những thứ khó có thể thiếu được trong “vương quốc nấu nướng” của mỗi nhà xét cả về công năng cũng như yêu cầu thẩm mỹ. Trong thời buổi thị trường nội thất ngày càng đa dạng về mẫu mã và chủng loại như hiện nay, người tiêu dùng có đến cả ngàn vạn lựa chọn những kiểu bàn bếp phù hợp với túi tiền và sở thích cá nhân của mình. Nếu bạn đang băn khoăn không biết nên chọn loại bàn bếp nào, hãy thử tham khảo nhé.
Sức hút từ gạch và đá
Ốp gạch là một trong những sự lựa chọn phổ biến nhất dành cho mặt bàn bếp ở các ngôi nhà Việt. Sức hút của việc ốp gạch gần như đơn giản đến từ… giá thành rẻ (trừ những gia chủ thích sử dụng loại gạch cao cấp). Gạch men và gạch ceramic rất đa dạng về mẫu mã hoa văn, lại dễ chiều theo khả năng tài chính của người tiêu dùng. Bàn bếp được ốp gạch có ưu điểm là dễ lau dọn và chịu nhiệt tốt. Nhược điểm của việc ốp gạch là hạn chế việc băm, chặt thực phẩm trên mặt bếp vì rất dễ gây vỡ gạch. Hơn nữa vì giữa các miếng gạch ốp có những khe nối nên cũng đòi hỏi phải lau chùi thường xuyên để giữ vệ sinh.
Mặt bàn bếp ốp gạch.
So với việc ốp gạch thì ốp đá cho bàn bếp có ưu điểm hơn hẳn về độ bền, nhưng giá thành lại cao hơn nhiều. Đá granit và đá nhân tạo có giá gần tương đương nhau, trong khi đó đá cẩm thạch rất đắt tiền và chỉ thích hợp cho những ngôi nhà sang trọng và cao cấp.
Đá granit có “cá tính” riêng ở chỗ vì khai thác từ thiên nhiên nên không có mặt đá nào giống nhau, mỗi khối lại có những hoa văn khác biệt. Đá nhân tạo lại có đặc điểm là làm chủ yếu từ bột thạch anh và các phụ gia. Hai loại đá này rất bền chắc và dễ bảo dưỡng. Về mặt thẩm mỹ thì rõ ràng đá cẩm thạch không những có vẻ đẹp riêng không trùng lặp mà còn có sự kiêu sa vượt trội so với 2 loại đá trên, ngoài ra nó còn có khả năng mạnh mẽ hơn hẳn về tính chịu nhiệt. Tuy nhiên cẩm thạch lại dễ bị trầy xước trên bề mặt.
Bàn bếp gỗ: cổ điển và hiện đại
Với một số người, vẻ “cứng như đá” không thể hấp dẫn bằng một chiếc bàn bếp mặt gỗ. Sự thú vị của vật liệu này là vừa có thể mang đến vẻ mộc mạc, giản dị, cổ điển nhưng cũng thừa sức “hóa thân” thành kiểu dáng đầy hiện đại, tân tiến. Bàn mặt gỗ có ưu điểm giá thành tương đối rẻ hơn so với mặt đá, dễ gia công hơn (sơn, khắc, vẽ… trên bề mặt) nhưng yếu điểm cũng chẳng ít: dễ bị xước, khó chịu nhiệt độ cao và theo thời gian dù có lau chùi sạch sẽ nhưng mặt bàn vẫn có thể bị lưu lại những “tàn dư” của thực phẩm…
Inox và “vẻ đẹp công nghiệp”
Là một vật liệu sản xuất công nghiệp và có giá thành khá cao, bàn bếp chất liệu inox thường có mặt trong các bếp ăn công cộng, các nhà hàng hơn là ở các hộ gia đình. “Vẻ đẹp công nghiệp” của inox thường không được đánh giá cao lắm nhưng bù lại sức chịu nhiệt và khả năng dễ chùi rửa của nó là ưu điểm tuyệt vời với mặt bàn bếp. Inox không thích hợp cho những gia chủ muốn có nội thất bền chắc, vì việc nó bị xước hay méo sớm muộn cũng xảy ra khi gặp một lực tác động tương đối mạnh.